Thực phẩm sạch hơn nhờ ông Trời

Lợi ích của mặt trời nhiều vô kể, nhưng không phải ai cũng biết và ứng dụng vào cuộc sống đúng cách.
Ở bài này tôi không có ý định nói xấu ai, nhưng trong quá trình tư vấn và thực nghiệm các công trình tôi mới biết được rõ hơn những nguyên nhân mà thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay.
Vấn đề được nêu trong bài viết này đó là sự thật 100% khi bản thân tôi tiếp cận thực tế của 4 công trình. Họ đang làm thế nào? Sử dụng gì để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng?
 
Công trình đầu tiên: Sấy bột nếp ở Rạch Kiến - Long An (2011)
 
Khảo sát ban đầu: Gạo và tấm được ngâm nước 10 -12h với bột tẩy công nghiệp có tên Sodium Sunfit gì đó với nhãn made in China, hỏi họ tại sao cần ngâm với hoá chất này thì họ nói nếu không cho vào thì bột sẽ bị chua và thâm đen không bán được! (Bột này người ta dùng làm bánh ít, bánh...)
Sau khi lắp đặt hệ thống sấy nhiệt mặt trời và test thử, sản phẩm sấy có độ trắng tinh so với phơi nắng. Họ thắc mắc tại sao và mình giải thích:
- Bản chất bột nếp của anh do phơi nắng từ sáng tinh mơ cho đến chiều mới khô, quá trình bốc ẩm tự nhiên tuỳ thuộc vào ông Trời dẫn đến nước được thoát ra từ bột rất chậm. Khi dùng công nghệ sấy thì nước được cưỡng bức ngay tức thì, thời gian khô rút ngắn chỉ trong vòng 2 - 3h cho nên độ trắng rất cao.
 
Tư vấn cho chủ đầu tư:
anh không cần phải sử dụng bất cứ loại hoá chất nào cả, chỉ cần dùng thiết bị sấy là đủ cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn cho cộng đồng.
 
Công trình thứ hai: Sấy bông gòn tấm (2012)
 
Bông gòn tấm những tưởng không liên quan đến hoá chất ai dè cũng có, bông chưa xử lý có màu tối nên họ sử dụng loại hoá chất màu vàng mà các nhà chuyên môn đã cảnh báo khi các hộ sử dụng trong bún tươi để làm màu sắc trắng xanh lơ lên đấy, tên hoá học là gì tôi không rõ nhưng chỗ tôi người ta cũng sử dụng để làm xanh lơ miến!
 
Quy trình ngâm bông khá công phu, họ luộc bông tấm vào các nồi rất lớn cả 10h sau đó vớt ra dùng máy nén vắt hết nước rồi vắt tấm bông lên sào đem phơi nắng.
Sản phẩm bông này người ta cung cấp cho DN sử dụng làm bông ngoáy tai và có thể làm nguyên liệu đầu vào của bông y tế! Không biết hoá chất có trong bông khi luộc có ảnh hưởng gì đến người sử dụng hay không?
Chỉ biết lắp đặt cho họ một công trình nhỏ, sử dụng nhiệt thừa của nồi luộc bông làm khô kết hợp với nhiệt mặt trời mà thôi!
 
Công trình thứ ba: Sấy hủ tiếu sợi (2013)
 
Công trình này đã cho tôi một kinh nghiệm cực kỳ quý, đó là phát hiện ra phương pháp thoát ẩm đúng khi sấy những sản phẩm có độ dày tương tự, nếu bạn thiết kế sai hướng thoát ẩm thì rất tốn năng lượng và sản phẩm sau sấy chất lượng không bao giờ bằng phơi nắng!
Cũng như cách ngâm bột nếp, họ ngâm gạo với hoá chất tương tự sau 10 - 12h nhưng bản chất hủ tiếu tráng ra rất mau chua cho nên họ phải cho vào thuốc chống mốc!
Chất chống mốc thành phần chính có tên là: Axit Oxalic!... Đó là chất gây sỏi thận.
Sau khi lắp đặt xong, họ chủ động được việc làm khô cho nên không cần sử dụng chất nguy hại đó nữa. Nhưng trong thực tế đại đa số các hộ vẫn còn phơi nắng, nên tỷ lệ hủ tiếu khô ngoài thị trường có chất cấm là rất cao... tôi không dám chắc nhưng có lẽ khoảng 90%!
Tương tự như bột nếp, sản phẩm sau sấy luôn trắng hơn nhờ quy trình cưỡng bức ẩm, nước được thoát nhanh đã cho kết quả rất tối ưu và an toàn cho người sử dụng.
 
Công trình thứ tư: Sấy miến dong (2014)
 
Đây là công trình làm tôi khốn khổ nhất vì phải làm lại lần thứ hai mới thành công sau gần 1 năm thi công và thất bại!
Công ty Hiệp Hoà Bình đã bỏ tiền đầu tư ban đầu, nhưng phải mất 3 năm mới thuyết phục được nhà cung cấp đồng ý cho mình thực hiện.
Quy trình chế biến ra sợi miến (bún tàu) vẫn còn thủ công và làm khô bằng cách phơi nắng. 1 m2 thu được 200g miến khô, muốn có 1.000kg/ngày cần 1.000m2 phên x 5 lượt phơi, khi nắng thì khổ cực dầm nắng còn khi mưa thì chạy không kịp!
Sau khi test thử hệ thống, miến phơi nắng và miến sấy được thực nghiệm cho kết quả khác biệt về độ trắng... tương tự như các sản phẩm khác, độ trắng rất cao nhờ cưỡng bức ẩm từ đó họ điều chỉnh giảm chất làm trắng chỉ còn 1/2. Thói quen sử dụng chất làm trắng 3 màu từ xưa vẫn còn, do thị trường yêu cầu nên họ vẫn phải đáp ứng.
Miến Dong Đậu sấy
Riêng sản phẩm Miến Dong Đậu của Hiệp Hoà Bình không sử dụng bất cứ loại hoá chất và phụ gia nào cả, màu sắc tự nhiên của sợi miến là màu vàng nhạt mỡ gà. Đây là dòng sản phẩm của tương lai khi Hiệp Hoà Bình làm marketing cho sản phẩm tới nơi tới chốn. Hiện đang bán tại hệ thống siêu thị Co.op Mart và nhà sách Nguyễn Văn Cừ.
Công ty Hiệp Hoà Bình đang nâng tầm máy móc thiết bị hiện đại hơn để thay thế cách làm truyền thống hiện nay.
....................
Tóm lược chung
 
Tất cả thực phẩm chế biến nếu phơi nắng sẽ cho chất lượng rất kém và không an toàn bởi sử dụng hoá chất không được kiểm soát.
Cuối cùng, một nguy cơ cao từ thiên nhiên ngoài bụi bặm nữa đó là... phân chim! Phơi nắng cần diện tích rộng thì không thể kiểm soát chim trời bay qua lại, người ta dùng nhà kính để giải quyết điều này và tận dụng ánh nắng nhưng không tối ưu bằng đầu tư một hệ thống sấy sử dụng nhiệt mặt trời. Vì nhà kính khi nắng vẫn chậm khô và trời mưa thì không thể làm khô sản phẩm được!
Sản phẩm phơi nắng rất dễ nhiễm phân chim trời, không an toàn.
Nhiệt Mặt Trời mang đến cho cộng đồng những lợi ích mà thiên nhiên ban tặng, tương lai của doanh nghiệp bạn sẽ phụ thuộc vào chính nhận thức của mỗi doanh nghiệp: đó là giải quyết bài toán năng lượng, giá trị XANH của sản phẩm sẽ là sự cạnh tranh TỐT nhất và RẺ nhất!
Hãy cùng chúng tôi quan tâm đến sức khoẻ người tiêu dùng và bảo vệ trái đất thân yêu của chúng ta bằng giá trị xanh mà mặt trời đem lại nhé!
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này
Nguồn: www.nhietmattroi.vn